Dạy con cần nhất lòng kiên nhẫn


 

     Kiên nhẫn là một đức tính rất cần thiết cho mỗi người, không chỉ trong công việc, học tập mà còn trong ứng xử, giao tiếp. Có thể nói, kiên nhẫn là yếu tố quan trọng để có thể đạt được thành công trong cuộc sống. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ hãy rèn luyện cho trẻ tính kiên nhẫn.
 

Làm gương cho trẻ về tính kiên nhẫn


     Trước khi dạy trẻ tính kiên nhẫn, cha mẹ cần phải học tính kiên nhẫn, vì tấm gương của bạn luôn có tác động rất tích cực trong việc hình thành nhân cách cho trẻ. Trong sinh hoạt hằng ngày, cha mẹ cần cho con thấy bản thân mình luôn kiên trì thực hiện bằng được một số việc.
Nếu sự thiếu kiên nhẫn khiến bạn phản ứng tức giận đối với những người khác có thể bởi vì bạn quá cầu toàn. Ngoài việc gây ra thiếu kiên nhẫn, quá cầu toàn thực sự có thể làm chậm năng suất và căng thẳng. Đặc biệt, trong quá trình dạy trẻ, bạn vô tình mất kiên nhẫn có thể khiến mục đích dạy con không được như ý muốn.
 

     Chẳng hạn, sửa một cái quạt, thường con trẻ thích ngồi xem bạn làm, nếu bạn không kiên trì cho đến lúc sửa xong, trẻ dễ có cảm giác tiếc nuối, hình tượng đẹp đẽ của bạn trong con ít nhiều giảm sút, khi bạn thuyết phục con phải kiên nhẫn trong việc gì đó, sẽ giảm tính thuyết phục. Do đó, với một số việc mà bạn khó có thể kiên trì khi thực hiện được thì cũng không nên để cho trẻ thấy.
 

Thường xuyên uốn nắn tính kiên nhẫn


     Trẻ thường mau chán, dù với việc mà ban đầu chúng rất yêu thích. Nếu để trẻ tự do thực hiện theo ý mình thì có thể có nhiều việc không được làm đến nơi đến chốn. Do đó, khi trẻ tỏ ra thiếu kiên nhẫn, cha mẹ cần động viên, uốn nắn ngay để không trở thành một thói quen xấu.
    

     Rèn luyện tính kiên nhẫn là cả một quá trình, vì vậy bản thân cha mẹ phải kiên trì theo đuổi sự rèn luyện đó. Cha mẹ cần kết hợp hài hòa giữa biện pháp động viên (khen ngợi, thưởng…) với biện pháp uốn nắn (phạt).
 

     Chẳng hạn, trẻ đang tập viết, bạn đi đâu về có đồ chơi mới, liền gọi trẻ nhận quà, tức thì trẻ sẽ bị món quà mới hấp dẫn, lúc đó bảo trẻ chơi một chút rồi viết bài tiếp e rất khó. Vì vậy, để trẻ làm xong một việc gì đó, với ý thức trách nhiệm cao (không được làm qua loa, đối phó) rồi mới yêu cầu hoặc để trẻ làm việc khác. Dĩ nhiên, cha mẹ không thể đòi hỏi ở con mình nhiều quá mà phải phù hợp sức khỏe, tính cách, thói quen, điều kiện thực tế…

 


Nên xem xét yêu cầu của bé


     Với các bé, khái niệm quá khứ và tương lai rất khó hiểu. Bé chỉ hiểu được thời gian hiện tại. Điều đó giải thích vì sao, khi bạn đề nghị bé chờ trong ít phút thì bé phản ứng dữ dội.
 

     Thực hành lòng kiên nhẫn với con là tốt nhưng nên kiểm soát yêu cầu của bé để biết rõ lúc nào bé không thể chờ. Đói và khát sẽ khiến bé bị kích thích và không thể kiên nhẫn thêm, bé sẽ khóc. Trong trường hợp này, bạn nên nhanh chóng cho bé ăn thêm đồ ăn trong bữa chính hoặc lót dạ.
 

Dạy trẻ tính kiên nhẫn từ những câu chuyện


     Nên bắt đầu những câu chuyện nho nhỏ về tính kiên nhẫn, cả ở góc độ tích cực lẫn tiêu cực. Lồng trong câu chuyện nên có những câu hỏi để tập cho trẻ suy nghĩ.


     Chẳng hạn, một con chim làm tổ, trừ lúc tìm mồi, nó liên tục đi nhặt từng sợi rơm, sợi cỏ, vậy chim có đủ rơm để đan thành chiếc tổ không? Một người may áo nhưng chỉ may được một tay áo rồi bỏ làm việc khác, vậy có thành được chiếc áo không? Những câu chuyện như thế sẽ gieo cho trẻ những ấn tượng về ý nghĩa của tính kiên nhẫn cũng như hậu quả của sự thiếu kiên nhẫn.
 

Ngày 29/09/2014

Nguồn eva.vn

Địa chỉ: Lầu 6, toà nhà Thiên Sơn, 5-7-9 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: (028) 39 333 376 Ext 104 - Fax: 028 39 30 6767

Website: http://smart4kids.vn Email: smart4kids@smartpro.vn

free webpage hit counter