Thú Vị Với Robot Đá Bóng (Soccerbot)


     Hào hứng, hồi hộp và thú vị là những gì mà bạn trẻ cảm nhận về cuộc thi lập trình robot đá bóng (Soccerbot). Sân chơi do Vườn ươm doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức.

Robot đá bóng trên sân dưới sự điều khiển của người lập trình thông qua máy tính - Ảnh: Lê Thanh

     Nguyễn Văn Đính, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, chia sẻ: “Lập trình cho robot chạy tìm bóng, tranh bóng rồi “sút” vào khung thành của đối phương giống như một cầu thủ, mình thấy rất hào hứng. Cảm giác giống như mình là một cầu thủ vừa ghi được bàn thắng vậy”.

     Luật chơi của Soccerbot cũng rất đơn giản. Theo Nguyễn Phúc Vĩnh Phát, sinh viên Trường ĐH Việt Đức, các đội dự thi được cung cấp 4 robot (3 robot đá chính và 1 robot dự bị phòng khi bị hỏng hoặc người chơi quyết định thay “cầu thủ”) thi đấu trên sân có kích thước 1,2 m x 2 m. Trên sân bóng có 2 đội thi (mỗi đội có 3 robot) thi đấu trong 2 hiệp, mỗi hiệp 10 phút. Nhiệm vụ chính của người thi là viết phần mềm chiến thuật để robot suy nghĩ thông minh, tự nhận diện để tìm kiếm trái bóng đá vào khung thành hay cản phá đường bóng của đối thủ. Hết giờ thi đấu, đội nào được robot sút bóng vào khung thành của đối phương nhiều nhất sẽ giành chiến thắng để đi tiếp vào vòng sau.

     Tham gia sân chơi này giống như một khóa học thực hành giúp mỗi người có dịp cọ xát, nâng cao kiến thức nghiên cứu khoa học cho bản thân. Theo Đỗ Phạm Hoàng Long, sinh viên Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, đây không chỉ là sân chơi để giải trí mà còn là dịp để sinh viên thử sức về trình độ lập trình điều khiển tự động. “Người tham gia luôn tập trung xem robot của mình trình diễn như thế nào trên sân bóng. Cứ sau một hiệp đấu, họ sẽ nhận ra robot còn những hạn chế, khiếm khuyết chỗ nào để bổ sung, khắc phục, đồng thời điều chỉnh phần mềm hoạt động hiệu quả hơn. Đó là những trải nghiệm thực tế vô cùng bổ ích đối với bản thân tôi”, Hoàng Long nói.

     Khi tham gia sân chơi này, nhiều bạn trẻ nhận ra rằng lĩnh vực lập trình và chế tạo robot tuy rất khó nhưng không phải không làm được. “Trước đây, mình cứ nghĩ lĩnh vực lập trình và điều khiển tự động là một cái gì cao siêu, xa xôi lắm, nhưng khi tham gia sân chơi này mới thấy thật thú vị và tất cả mọi thứ đều có thể làm được nếu mình chịu khó nghiên cứu và học hỏi. Điều quan trọng là phải có lòng quyết tâm và đam mê thật sự”, Nguyễn Lê Khôi Nguyên, sinh viên Trường ĐH Việt Đức, bộc bạch.

     Còn Võ Tấn Việt, sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Lần đầu tiên tham gia sân chơi công nghệ này, mình đã bị hút hồn bởi những robot nhỏ nhắn, linh hoạt. Qua đó có điều kiện tiếp xúc, trao đổi, giao lưu với những người am hiểu trong lĩnh vực lập trình điều khiển tự động và cảm thấy yêu thích ngành học của mình nhiều hơn”.

     Thạc sĩ Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP.HCM, cho rằng: “Chúng tôi muốn nhân rộng mô hình này đến nhiều trường để giúp bạn trẻ có cơ hội trải nghiệm thực tế, từ đó kích thích và gieo niềm đam mê cho giới trẻ nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực lập trình điều khiển tự động. Người trẻ VN nhìn chung rất giỏi nhưng hay ngại thử sức. Mà tâm lý lo sợ là một rào cản rất lớn cho sự phát triển ở hầu hết các lĩnh vực”.

     Thạc sĩ Nguyên khẳng định: “Từ sân chơi này, nếu bạn trẻ có ý tưởng tốt về lập trình cũng như sáng tạo robot, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn về mọi mặt để hoàn thành sản phẩm ứng dụng trong thực tế”.

(Theo http://www.thanhnien.com.vn )

Địa chỉ: Lầu 6, toà nhà Thiên Sơn, 5-7-9 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: (028) 39 333 376 Ext 104 - Fax: 028 39 30 6767

Website: http://smart4kids.vn Email: smart4kids@smartpro.vn

free webpage hit counter